Phân tích bài thơ Sang Thu ngắn gọn

Phân tích bài thơ Sang thu là đề thường gặp trong các bài kiểm tra và thi học kì của ngữ văn 7 Chân trời sáng tạo. Nếu chưa có ý tưởng cho bài viết, bạn có thể tham khảo những mẫu sau.

Dàn ý phân tích Sang thu

Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm Sang thu trong SGK Ngữ văn 7

Thân bài:

Luận điểm 1: Vẻ đẹp của thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa

  • Hương ổi
  • Gió se: ngọn gió heo may lành lạnh đủ để dậy cảm xúc trong ta khiến ta có cảm thấy lâng lâng, dễ chịu trước khoảnh khắc giao mùaSương chùng chình qua ngõ -> những hạt sương thu mềm mại, ươn ướt giăng màn qua ngõ

Nghệ thuật:

  • Từ láy tượng hình: chùng chình -> cố ý chậm lại
  • Nhân hóa: sương chùng chình -> Sương giăng mắc nhẹ nhàng, chuyển động chầm chậm nơi đường thôn ngõ xóm, ngập ngừng, lưu luyến, bịn rịn như có tâm hồn.
  • Nhịp thơ có sự thay đổi (3/2 -> 2/3) -> tình cảm, cảm xúc của tác giả.=> Cảm xúc ngỡ ngàng, bâng khuâng của nhà thơ trước sự biến chuyển nhịp nhàng của cảnh vật trong khoảnh khắc giao mùa

Luận điểm 2: Những chuyển biến của thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa

Hình ảnh thiên nhiên:Sông dềnh dàng,  Chim vội vã, Đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu -> ranh giới cụ thể giữa hạ và thuNghệ thuật: từ láy dềnh dàng, vội vã -> sự chuyển mình của thiên nhiên tạo vật từ hạ sang thu=>  Không gian và cảnh vật như đang chuyển mình, điềm tĩnh bước sang thu.

Luận điểm 3: Vẻ đẹp thiên nhiên và sự suy tư về cuộc đời con người

Hình ảnh thiên nhiên:

  • Nắng vẫn còn nhưng đã nhạt dần
  • Mưa cũng vơi và ít dần
  • Sấm cũng bớt bất ngờ
  • Hàng cây cổ thụ không còn giật mình bởi những tiếng sấm

Thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa đang biến đổi chậm dần chứ không vội vã.

=> Nghệ thuật: ẩn dụ

  • Sấm: chỉ cái bất thường của ngoại cảnh
  • Hàng cây đứng tuổi: những con người lớn tuổi, từng trải.

Hai câu thơ không còn chỉ tả cảnh sang thu mà đã chất chứa suy nghiệm về con người và cuộc đời

Tóm lược lại nghệ thuật và nội dung toàn bài

Kết luận: Tổng kết về ý nghĩa của bài thơ và thông điệp của tác giả.

Trích bài thơ Sang thu của tác giải Hữu Thỉnh

Phân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

Tổng hợp các dạng đề và bài mẫu Sang Thu Hữu Thỉnh để bạn tham khảo. Bài dưới đây được sưu tầm từ bài các bạn học sinh giỏi điểm cao thực hiện.

Phân tích bài thơ sang thu ngắn gọn nhất mẫu 1

Thời khắc giao mùa là thời khắc vô cùng đặc biệt, thường diễn ra những biến đổi tinh vi, không chỉ ở thế giới tự nhiên mà còn ở cả thế giới của con người. Trong thời khắc đặc biệt ấy, em cảm thấy vô cùng xúc động; không chỉ cảm nhận rõ được sự rung động của tâm hồn mình khi được trải nghiệm thời khắc đó. Mọi thứ mơ hồ lại khiến em xao xuyến, mơ mộng; khiến em cảm thấy trân trọng và muốn níu giữ, nâng niu mọi thứ.

Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh nói về đất trời từ cuối hạ sang thu, có những biến chuyển nhẹ nhàng mà rõ rệt. Nhà thơ đã cảm nhận hình ảnh mùa thu bằng sự cảm nhận tinh tế, qua những hình ảnh giàu sức biểu cảm.

Đây quả là một sự liên tưởng thú vị, một hình ảnh đầy chất thơ, nhà thơ gợi ra trước mắt người đọc đám mây mùa hạ mỏng nhẹ, kéo dài như một dải lụa trên bầu trời mùa thu đã bắt đầu trong xanh. Hình ảnh này vừa có sức tạo hình trong không gian nhưng lại diễn tả sự vận động tinh tế của thời gian. Đám mây ấy như một nhịp cầu nối liền giữa hai mùa khiến ranh giới giữa mùa thu và mùa hạ trở nên mơ hồ, mong manh, không rõ rệt.

Bài thơ thể hiện những cảm xúc, rung động tâm hồn trước cảnh vật thiên nhiên trong những ngày cuối hạ sang thu giữa thời khói lửa vừa mới kết thúc. Thông điệp mà tác giả muốn gửi đến chúng ta là: Thời gian chảy trôi, cùng với sự thay đổi của thời cuộc, con người cũng sẽ trưởng thành, không còn những bồng bột, sôi nổi và liều lĩnh của tuổi trẻ. Chúng ta biết lắng mình xuống để suy ngẫm và chiêm nghiệm cũng sẽ không để sóng gió cuộc đời quật ngã trước mỗi bước đi.

Phân tích văn bản sang thu mẫu 2

Văn học trung đại đã cho ta một thi nhân với ba bức tranh thu đặc sắc về làng quê Việt Nam, đó là Nguyễn Khuyến với Thu ẩm, Thu điếu, Thu vịnh. Văn học hiện đại lại góp một Hữu Thỉnh với những vần thơ thu về miền quê trung du Bắc Bộ là xao động lòng người. Ông đã làm ta yêu hơn mùa thu, yêu hơn quê hương khi đọc những vẫn thơ thu đẹp như trong bài Sang thu.

Hữu Thỉnh tên là Nguyễn Hữu Thỉnh, sinh năm 1942, quê ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1963 ông gia nhập quân đội, là chiến sĩ của binh chủng Tăng – Thiết giáp. Hữu Thỉnh là một người lính làm thơ. Thơ của ông ấm áp, giàu sức gợi cảm. Ông viết nhiều và viết hay về nông thông và mùa thu, nhất là vùng quê trung du của ông. Nhiều vần thơ thu của Hữu Thỉnh mang cảm xúc bâng khuâng vấn vương trước đất trời trong trẻo đang biến chuyển nhẹ nhàng và đậm màu triết luận, có sức nặng của suy ngẫm và chiêm nghiệm. Hữu Thỉnh có tác phẩm tiêu biểu: Âm vang chiến hào (in chung), Đường tới thành phố (trường ca), Từ chiến hào tới thành phố (trường ca – thơ ngắn), Khi bé Hoa ra đời (thơ thiếu nhi, in chung), Thư mùa đông, Trường ca biển.  Ngoài ra, ông còn viết nhiều bút ký văn học, viết báo. Ông cũng được giải thưởng như: Giải 3 cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1973, Giải A cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1975,… và nhiều giải thưởng danh giá khác.

Bài thơ “Sang thu” được viết vào cuối năm 1977 in lần đầu trên báo Văn nghệ, sau được in trong tập “Từ chiến hào đến thành phố”. Bài thơ là những cảm nhận, những rung động man mác, bâng khuâng của tác giả trước vẻ đẹp và sự biến đổi kì diệu của thiên nhiên trong buổi giao mùa., cảm nhận tinh tế về những chuyển biến nhẹ nhàng của khoảnh khắc từ mùa hạ sang mùa thu ở miền Bắc.

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se”

Từ “bỗng” được tác giả sử dụng như thể hiện sự giật mình khi chợt nhận thấy thời tiết đã bắt đầu thay đổi, “gió se” đã xuất hiện. Gió se là ngọn gió heo may lành lạnh, thường không gặp ở mùa hè mà sẽ cảm nhận rõ ràng ở mùa thu. Ở khoảnh khắc này, Hữu Thỉnh tinh tế nhận thấy hương vị của ngày hè vẫn còn đó “hương ổi” nhưng dấu hiệu của ngày thu cũng đã bắt đầu.

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về.”

Nghệ thuật nhân hóa “sương chùng chình” khiến cho câu thơ trở nên thú vị hơn bao giờ hết. Sương vẫn đang đi từ từ chậm rãi, từ láy “chùng chình” đã mô tả đúng cảm giác đủng đỉnh, không vội vã mà di chuyển chầm chậm, như tác giả đang cảm nhận về làn sương trong tiết trời ngày thu. Rồi sau đó, chính Hữu Thỉnh vừa có sự khẳng định nhưng cũng lại chứa đựng sự phân vân trong vần thơ của mình “hình như” trời đã đổi sang thu rồi.

Có vẻ thời tiết đã chuyển giao, những dấu hiệu của ngày thu đã đến, nhưng chúng vẫn chưa thật sự rõ rệt, chúng vẫn đang lan tỏa một cách chậm rãi từ con “ngõ” nhỏ, sau đó ngập tràn dần đến thôn xóm, đến đường phố, như đang có sự lưu luyến cảnh sắc ngày hè.

Ở trong 1 khổ thơ, nhưng tác giả đã điều chỉnh nhịp thơ để có sự khác biệt giữa 3 câu đầu (nhịp 3/2) và câu thơ cuối (nhịp 2/3). Đây cũng là cảm xúc của tác giả, đây chính là sự bâng khuâng, sự ngỡ ngàng và chưa chắc chắn, chưa sẵn sàng của nhà thơ trước biến chuyển nhịp nhàng chậm rãi của thời tiết.

Không gian đã được mở ra từ khổ thơ thứ hai, từ đây, chúng ta thấy được nhiều hơn dấu hiệu của ngày thu, khi mà:

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

Sử dụng mô tả độc đáo khi nói về đám mây “vắt nửa mình”

Không chỉ là ngửi thấy mùi “hương ổi”, các dấu hiệu của mùa thu đã đến, tác giả có thể cảm nhận nó qua nhiều giác quan khác là thính giác, xúc giác và thị giác. Không gian cũng rộng ra, cao hơn để nhìn thấy chim, rộng hơn để quan sát được mây và dài hơn để cảm nhận được con sông.

Nhà thơ đã sử dụng sự tinh tế trong tâm hồn của mình để cảm nhận dòng sông cũng vẫn còn “dềnh dàng” chậm rãi. Dường như chính dòng sông cũng muốn níu kéo thời gian, níu giữ ngày hạ ở lại.

Đối lập với đó là hình ảnh những chú chim “vội vã” bởi thời tiết thay đổi, chúng phải nhanh tìm chỗ ẩn nấp, bay về nơi ấm hơn. Hai từ láy đối lập được sử dụng nhưng cũng là cách để tác giả mô tả lại sự chuyển mình của đất trời. Dù có chậm hay nhanh, tất cả đều đã sẵn sàng đón chờ một mùa mới trong năm.

Hình ảnh đắt giá nhất trong bài thơ này, phải kể đến “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”. Ở đây, tác giả đang mô tả đám mây như cầu nối giữa mùa hạ sang mùa thu. Động từ “vắt” giàu sức liên tưởng khiến người ta cảm nhận được đám mây cũng muốn mùa hạ ở lại, nhưng chúng cũng phải rướn mình để dần hòa vào mùa thu sắp đến.

Biện pháp tu từ nhân hóa được nhà thơ sử dụng nhuần nhuyễn với mục đích tả lại sự lưu luyến ngày hạ của đất trời, thiên nhiên. Từ đó, ta cũng thấy yêu hơn cảnh vật xung quanh mình, cũng học được cách quan sát tự nhiên để tận hưởng những điểm thú vị đang diễn ra do thiên nhiên ban tặng.

“Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa”

 

ột lần nữa, tác giả tiếp tục sử dụng sự đối lập trong 2 câu thơ, nhưng lần này, ông chỉ sử dụng như mô tả đất trời những ngày chuyển mùa. Thiên nhiên đất trời thực sự đã bước dần sang ngày thu, nhưng thực sự không “vội vã” đến thế.

“Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi”

Tác giả đang ẩn dụ sấm để chỉ những cái bất ngờ của ngoại cảnh có thể tác động lên chúng ta. Khi đủ trưởng thành, chững chạc như những “hàng cây đứng tuổi”, chúng ta sẽ không còn cảm thấy lo lắng, bồi hồi hay quá “bất ngờ” trước sự tác động từ bên ngoài. Chúng ta bình tĩnh hơn, tâm trạng ổn định hơn kể cả khi có sóng gió.

Qua bài thơ, tác giả đã bộc lộ rõ lòng yêu thiên nhiên, gắn bó với quê hương đất nước và triết lí về cuộc đời con người. Rõ ràng cuối bài thơ đã khiến chúng ta liên tưởng đến con người khi ở độ tuổi trung niên và từng trải, dù có giông gió thăng trầm cũng ít làm con người bất ngờ, bị động. Chính những suy tư đó của tác giả đã góp phần làm cho bài thơ “Sang thu” thêm ý nghĩa.

Đọc bài thơ Sang thu ta còn cảm nhận được nét đặc trưng về nghệ thuật trong thơ Hữu Thỉnh. Bằng việc lựa chọn từ ngữ độc đáo, cảm nhận tinh tế sâu sắc, hình ảnh thơ đẹp, giọng thơ êm đềm đã vẽ nên bức tranh bằng câu từ tuyệt vời. Từ đó, ta cảm nhận được sự tinh tế của tác giả, cũng khiến bản thân tâm hồn chúng ta phong phú hơn, lãng mạn hơn khi quan sát tự nhiên, yêu thêm vẻ đẹp của đất nước.

Nếu vẫn chưa nắm được ý chính của bài, bạn có thể đọc thêm soạn văn bài Sang thu. Tại đây có hướng dẫn rất chi tiết để bạn hiểu được thông điệp, nội dung, thủ pháp nghệ thuật tác giả đã sử dụng trong tác phẩm.

Văn mẫu Sang thu mẫu 3

Bài thơ Sang thu là những cảm nhận, những rung động mam mác, bâng khuâng của tác giả trước vẻ đẹp và sự biến đổi kì diệu của thiên nhiên trong buổi giao màu. Không phải là sắc “mơ phai” hay hình ảnh “con nai vàng ngơ ngác” mà Hữu Thỉnh đã chọn hương ổi thân quen nơi vườn nhà, đánh thức giác quan tinh tế nhất của nhà thơ.

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se”

Câu thơ có hương vị ấm nồng của chớm thu ở một miền quê nhỏ. Tín hiệu đầu tiên để tác giả nhận ra mùa thu là “hương ổi”. Cảm giác bất chợt đến với nhà thơ: “bỗng nhận ra” – một sự bất ngờ mà như đã chờ đợi sẵn từ lâu lắm, mùi hương quê nhà mộc mạc, hai chữ “phả vào” vừa gợi ra cái bất chợt trong cảm nhận, vừa gợi ra một cách thực tế cái hương thơm của ổi, lại vừa gợi ra sự vận động nhẹ nhàng của gió. Câu thơ không chỉ tả mà còn gợi liên tưởng đến màu vàng ươm, hương thơm lừng, vị giòn, ngjot chua chua nơi đầu lưỡi của trái ổi miền quê. Và không chỉ có thể, cả sương thu cũng như chứa đầy tâm trạng, thong thả, chùng chình giăng mắc trên khắp nẻo đường thôn:

“Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về”

Sương thu đã được nhân hóa, hai chữ “”chùng chình” diễn tả rất thơ bước đi chầm chậm của mùa thu, gợi ra sự lay động của cây lá, vẻ tư lự của lòng người, cái man mác của không gian chớm thu. Sao lại là hình như chứ không phải chắc chắn? Một chút nghi hoặc, một chút bâng khuâng, có cái gì đó không thật rõ ràng. Đúng là một trạng thái cảm xúc của thời điểm chuyển giao. Nếu ở câu thơ đầu tiên, nhà thơ “bỗng nhận ra” thu về bất ngờ và đột ngột thì sau khi cảm nhận sương thu, gió thu, thi sĩ vẫn ngỡ ngàng thốt lên thời thì thầm như tự hỏi: Hình như thu đã về. Tâm hồn thi sĩ nắm bắt những biến chuyển nhẹ nhàng, mong manh của tạo vật trong phút giao mùa cũng êm đềm, bâng khuâng như bước đi nhỏ nhẹ của mùa thu.

Không gian nghệ thuật của bức tranh thu được mở rộng hơn. Cảm xúc ấy tiếp tục lan tỏa, mở ra trong cái nhìn xa hơn, cái bỡ ngỡ ban đầu vụt tan biến đi nhường chỗ cho những rung cảm mãnh liệt trước không gian vời vợi:

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã”

Sự vận động của mùa thu được cụ thể hóa bằng những sắc thái đổi thay của tạo vật. Đó là vẻ “dềnh dàng” của dòng sông, cái “bắt đầu vội vã” của cánh chim. Sông nước đầy nên mới “dềnh dàng” nhẹ trôi như cố tình chậm lại, những đàn chim vội vã bay về phương Nam,… Không gian thu thư thái, hữu tình và chứa chan thi vị, đặc biệt là hình ảnh:

“Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

Thật đặc biệt, đám mây mang trên mình cả hai mùa. Câu thơ có tính tạo hình không gian nhưng lại có ý nghĩa diễn tả sự vận động của thời gian: thu bắt đầu sang, hạ chưa qua hết, mùa thu vừa chớm, rất nhẹ, rất dịu, rất êm, rất mơ hồ như cả đất trời đang rùng mình thay áo mới. Tất cả đang hòa trong khúc biến tấu giao mùa. Có cái gì đang mơ hồ xâm chiếm, đang thay thế, đang mờ đi, nhạt ra, đang trôi. Không có gì hiện ra thật sắc nét, không có gam màu tương phản nào, ngay cả ở hai nửa của một đám mây thuộc về hai mùa khác biệt. Không phải vẻ đẹp mùa hạ, cũng không phải vẻ đẹp của mùa thu mà là vẻ đẹp của chính sự chuyển mùa, vẻ đẹp của tâm hồn con người gần gũi, giao cảm với thiên nhiên để lắng nghe và dự cảm.

Khổ thơ thứ ba diễn tả rất rõ sự biến chuyển của không gian và cũng là một thoáng suy tư của nhà thơ trước cảnh vật, đất trời:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi”

Vẫn là nắng, mưa, sấm chớp của mùa hạ vương lại đâu đây, song chỉ là “vẫn còn”, “đã vơi dần”, “cũng bớt bất ngờ” bởi mùa thu đã đến. Hình ảnh sấm và hàng cây vừa có tính tả thực nhưng cũng là hình ảnh ẩn dụ, gợi ra những suy tư thâm trầm. Cuối hạ – đầu thu, khi đã không còn những cơn mưa xối xả thì sấm cũng bớt bất ngờ, dữ dội. Hàng cây đứng tuổi là hàng cây đã trải qua bao cuộc chuyển mùa? Không biết chính xác là bao nhiêu nhưng chắc cũng đủ để điềm nhiên trước những biến động. Ý thơ còn gợi liên tưởng đến con người khi đã lớn tuổi và từng trải thì những giông gió, thăng trầm của cuộc đời ít làm con người ta bất ngờ, bị động. Những suy tư đó của tác giả có lẽ đã góp phần làm cho bài thơ “Sang thu” trở nên giàu ý nghĩa.

Hình ảnh thơ đẹp, ngôn từ tinh tế, giọng thơ êm đềm và những rung động man mác bâng khuâng của tác giả trong buổi giao màu đó đã tạo nên một dấu ấn không thể phai trong lòng bao độc giả. Có lẽ vì vậy mà sau khi đọc “Sang thu” của Hữu Thỉnh ta càng thêm yêu hơn mùa thu thiết tha, nồng hậu của quê nhà.

Nghị luận bài thơ Sang thu

Đề bài: Vẻ đẹp trong bà thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

Bài làm

Mở đầu bài thơ Sang thu là một làn hương thật đặc biệt của mùa thu Việt Nam, hương ổi phả vào gió buổi sớm. “Phả” một động từ mang ý nghĩa chủ động tác động được dùng như một cách khẳng định sự xuất hiện hơi thu trong không gian. Sự góp mặt của màn sương buổi sớm cùng với hương ổi đã làm cho con người chợt giật mình thảng thốt: Hình như thu đã về. Hai đặc điểm để cảm nhận mùa thu như hương ổi, làn sương không phải là những hình ảnh đã trở nên ước lệ hay quen thuộc với người Việt mà có phần lạ lẫm với thơ, đã được đưa vào thơ một cách hết sức tự nhiên. Cũng từ đây, một loạt những hình ảnh quen mà lạ ấy sẽ xuất hiện để làm nên một bức tranh mùa thu đẹp đẽ và trong sáng vô cùng.

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

 

Toàn là những sự vật được lựa chọn để miêu tả cảnh đất trời vào thu đều đang ở trạng thái “ngập ngừng” nhưng là sự ngập ngừng đầy chủ động. Sông được lúc, đàn chim bắt đầu, đám mây vắt nửa mình: Với cách diễn đạt này, hình ảnh sự vật không chỉ hiện lên ở thời điểm hiện tại mà còn dẫn người đọc liên tưởng về quá khứ của chúng, một quá khứ chưa xa: Mùa hạ. Chắc rằng đó là một quá khứ đầy sôi nổi, khiến cho đâu đó trong không gian vang lên niềm nuối tiếc:

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi

Nắng – hình ảnh cụ thể của mùa hạ – đang là hiện tại nhưng mùa mưa đầu hạ đã trở thành quá khứ. Trạng thái này của thời tiết lại một lần nữa như khẳng định sự ngập ngừng đầy chủ động của thời gian. Song, dẫu có ngập ngừng thì thời gian vẫn bước những bước chân vô tình của nó và hàng cây sẽ bớt bất ngờ nếu mọi ngày vẫn xanh là thế mà giờ đây đã trở thành “hàng cây đứng tuổi”. Hàng cây đứng tuổi – hình ảnh gợi lên ở người đọc nhiều liên tưởng về tuổi tác và tâm trạng con người. Thời gian trôi nhanh qua cửa, cuộc đời mỗi người là một chứng nhân nhìn mùa thu đi qua. Bởi thế, nuối tiếc vẫn mãi là cảm xúc của con người trước thời gian. Tâm trạng ấy đã được nhà thơ gửi vào cảnh vật, gửi vào trạng thái của thiên nhiên nhằm khắc họa thời khắc mà mọi vật đang chuyển mình sang thu. Điều này lí giải vì sao tất cả các sự vật đều được khắc họa bằng những động từ sắc thái nghiêng chủ động. Phải chăng với những sự vật đang “sang thu” chứ không phải “đây mùa thu tới” hay “mùa đã thu rồi”.

Một làn hương ổi, một màn sương, một dòng sông,  một đám mây, một tia nắng,… những sự vật gần gũi thế cũng làm nên những đường nét rất riêng của mùa thu Việt Nam và điều này đã làm nên sức hấp dẫn của bài thơ Sang thu.

Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh không chỉ mang đến cho người đọc những cảm nhận mới về mùa thu quê hương mà còn làm sâu sắc hơn tình cảm quê hương trong tim mọi người. Sang thu chính là một tấm gương để người đọc có thể nhìn thấy ở đó hình ảnh của quê hương xứ sở mình, hình ảnh của tâm hồn mình. Miêu tả mùa thu bằng những bước chuyển mình của vạn vật, Hữu Thỉnh đã khuấy động một cách nhìn riêng, một lối miêu tả riêng, thoát khỏi những ước lệ để khẳng định vị trí của mình trên con đường sáng tạo nghệ thuật.

Phân tích khổ thơ đầu (khổ 1) bài Sang thu

Đề bài: Cảm nhận về mùa thu trong khổ thơ đầu bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh.

Bài làm:

Mùa thu cũng gợi rất nhiều cảm hứng cho thi cả bởi không gian cao rộng, bởi màn sương giăng nhẹ nhàng, bởi mùi hương vườn đầy quyến rũ thoảng trong hơi gió heo may và bởi lòng thi nhân vốn đa cảm. Sang thu của Hữu Thỉnh còn mang đến cái cảm giác mơ hồ mà nó chưa có sự định hình, chưa có ranh giới rõ rệt. Đọc khổ thơ thứ nhất, chúng ta dễ dàng bắt gặp điều đó:

“Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về”

Động từ “phả” được sử dụng mang nhiều ý nghĩa. Liệu có thể thay thế từ ngữ ấy bằng một số từ khác như “thoảng, tỏa, lan,…” nhằm mang lại cho hương ổi một sức mạnh vô hình nào đó có thể tràn ngập trong không gian, có sức lan tỏa về mặt cảm xúc. Động từ “phả” nhờ nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đã đem đến cho bức tranh giao mùa một sức sống mạnh mẽ đến kì lạ.

Hương ổi từ đó mà lan tỏa mãi trong không gian và rồi được cuốn trong gió se là cơn gió heo may khô lạnh đầu mùa. Trong cái dư vị ngây ngất của trái ổi đầu mùa, nhà thơ còn nhận thấy:

“Sương chùng chình qua ngõHình như thu đã về”

Tiết trời ngày thu đã bắt đầu lan tỏa trong từng con ngõ

Nhẹ nhàng và mong manh. Màn sương qua từ láy gợi hình “chùng chình” được nhân hóa như vẻ duyên dáng của nàng thiếu nữ đôi mươi. Màn sương ấy hiện ra trong ảo mờ như cổ tích khiến cho cảnh vật nơi làng quê xóm ngõ trở thành một thế giới thần kì ảo diệu.

Và câu thơ, “hình như thu đã về kết lại dòng cảm xúc bất ngờ, đột ngột của nhà thơ. Tất cả những tín hiệu ở trên cuối cùng rồi cũng đi đến một nghi vẫn: thu đã về? Từ “hình như” là một sự ngỡ ngàng, thảng thốt, rằng thu đã đến với đất trời thật rồi sao?

Từ điểm nhìn cận cảnh, cùng sự quan sát tinh tế, cảm nhận dấu hiệu thiên nhiên bằng khướu giác (hương ổi), xúc giác (gió se) và thị giác (màn sương), nhà thơ Hữu Thỉnh đã chứng tỏ một hồn thơ tinh tế nhạy cảm khi cảm nhận tiết giao mùa nơi làng quê thanh bình.

Phân tích khổ 2 Sang thu

Đề bài: Thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa qua khổ thơ sau của Hữu Thỉnh:

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

Chớm thu, cơn gió đầu mùa se lạnh thường gợi cảm giác bâng khuâng với tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, thi nhân thường tìm đến với mùa thu để tâm tình, bầu bạn. Trong số rất nhiều những tâm tình cảu thi nhân với mùa thu ấy, ta bắt gặp Sang thu của Hữu Thỉnh. Một khoảnh khắc kì diệu, mơ hồ, mong manh của phút giao mùa được Hữu Thỉnh “vĩnh cửu” hóa bằng những câu thơ giàu hình ảnh và cảm xúc. Đoạn thơ tuyệt hay diễn tả cái giây phút kì diệu ấy là:

“Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu”

Nếu như khổ thơ thứ nhất là cảm xúc đột ngột, ngỡ ngàng khi nhận ra thu đang về với đất trời thì đến khổ thơ thứ hai, nhà thơ đã nhìn rộng hơn trong việc quan sát cảnh vật thiên nhiên. Từ khung cảnh chật hẹp nơi làng quê, nhà thơ đã dần hé mở thêm cho không gian cả chiều cao, chiều rộng, lẫn chiều sâu. Đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên đất trời lúc áng thu. Đầu tiên, nhà thơ quan sát sự vật ở tầng thấp:

“Sông được lúc dềnh dàng”

Chất liệu thực ra thật rõ. Cái “dềnh dàng” của dòng sông là phút hiếm hoi sau lúc gập nghềnh leo thác nhọc nhằn rồi lại ồ ạt xối xả dưới những cơn mưa rào mùa hạ. Từ “được lúc” diễn tả cái hiếm hoi thưa thớt ấy một cách rõ nét. Từ láy gợi hình “dềnh dàng” đang chỉ sự chuyển động chậm chạp, đã lâu lắn rồi, con sông mới được nghỉ ngơi thanh thản như thế.

Tuy nhiên, dòng sông trở nên chậm chạp hơn khi thu sang, không đồng nghĩa với sự vật nào cũng vậy:

“Chim bắt đầu vội vã

Cơn gió heo may lạnh lẽo đầu mùa tràn về khiến đàn chim phải bắt đầu vội bay về phương Nam tránh rét. Phép đối và nghệ thuật tương phản giữa hai câu thơ dềnh dàng, vội vã được tác giả gửi gắm vào đó một triết lý: cuộc đời không có giây phút nào lặng lẽ, êm đềm, sự sống vẫn chuyển động không ngừng. Chính vì thế, con người phải có sự chuẩn bị đầy đủ để ứng phó và theo kịp mạch chảy của dòng đời.

Ở hai câu thơ tiếp theo, không gian đất trời lại tiếp tục được mở thêm một tầng mới:

“Có đám mây mùa hạt

Vắt nửa mình sang thu”

Đám mây mùa hạ là hình ảnh độc đáo, thể hiện trí liên tưởng phong phú của tác phẩm. Từ “vắt” mang hiệu quả diễn đạt rất lớn. Nó làm cho đám mây kia có khả năng nối giữa hai mùa thiên nhiên; hay nói đúng hơn là mùa hạ và mua thu đang chênh vênh giữa một đám mây. Từ cái giây phút giao mùa vô hình, trừu tượng, tác giả đã biến thành sự vật hữu hình cụ thể để người đọc cảm nhận rõ hơn về tín hiệu của mùa thu. Có thể nói đó là hình ảnh đặc biệt, thể hiện sự sáng tạo tuyệt vời và cái tình sâu sắc của nhà thơ khi viết về mùa thu.

Phân tích bài thơ Con chim chiền chiện của nhà thơ Huy Cận cũng là dạng đề thường gặp. Bạn có thể theo dõi để có thêm ý tưởng cho bài viết của mình.

Phân tích 2 khổ thơ đầu (khổ 1 2) Sang thu

Đề bài: Một góc quê hương sang thu qua đoạn thơ sau của Hữu Thỉnh:

Bỗng nhận ra hương ổiPhả vào trong gió seSương chùng chình qua ngõHình như thu đã về

Sông được lúc dềnh dàngChim bắt đầu vội vãCó đám mây mùa hạVắt nửa mình sang thu

Bài làm

Đoạn thơ có cái hương vị ấm nồng của chớm thu ở một miền quê nhỏ. Tín hiệu đầu tiên để tác giả nhận ra là hương ổi phả vào trong gió. Mùi hương quê nhà mộc mạc được gió đưa trong không gian lan tỏa, thoang thoảng bay. Cảm giác bất chợt đến với nhà thơ: “bỗng nhận ra”. Một sự bất ngờ mà như đợi sẵn, đợi từ lâu rồi, để giờ đây có dịp là buông ra ngay. Cái dư vị của hương thơm đó cứ vương vấn lại trong ta khi chợt đọc câu thơ của Hữu Thỉnh. Có hương ổi, và gió và sương. Những hạt sương thu mềm mại, ươn ướt giăng qua màn qua ngõ. Mùa thu lại về. Mùa thu mang theo hương quê và mang theo sương mờ ướt lạnh. Dường như có thêm sương nên thu dễ nhận hơn. “Sương chùng chình qua ngõ”, “chùng chình” hay là đợi chờ gì đây? Cừ dần như thế, cứ nhẹ nhàng, mềm mại như thế, thu đến từ lúc nào không hay. “Hình như thu đã về”. Nhà thơ giật mình, hơi bối rối. Từ bao giờ nhỉ? Thu về? Từ hương ổi hay từ gió, hay từ sương? Hữu Thỉnh cũng hơi ngỡ ngàng trước thoáng đi bất chợt của mùa thu. Thu về, thu lại về trên quê hương, trên những con đường bờ đê và trên cả những con sông, cánh chim trời.

Cái bỡ ngỡ ban đầu vụt tan biến đi nhường chỗ cho sự rung cảm mãnh liệt trước mùa thu:

Sông được lúc dềnh dàngChim bắt đầu vội vãCó đám mây mùa hạVắt nửa mình sang thu

Con sông quê hương dềnh dàng nước chờ mùa thu. Những cánh chim bay đi vội vã. Tất cả đều hối hảo, xôn xao khi thu về. Không còn lại cái gay gắt của mùa hè nóng rực, chỉ còn lại một bầu không gian ẩm ướt và se se lạnh. Một thoáng rối lòng để rồi nhường lại cho mùa thu. Mùa thu vừa mới chớm rất nhẹ, rất dịu, rất êm, mơ hồ như cả đất trời rùng mình thay áo mới. Hữu Thỉnh không tả trời thu “xanh ngắt mấy tầng cao” nhưng Nguyễn Khuyến mà chỉ điểm vào bức tranh thu một chút mây vương lại của mùa hè vừa qua:

“Có đám mây mùa hạVắt nửa mình sang thu.”

Mây vắt nửa mình sang thu. Lối diễn đạt cùa nhà thơ thật độc đáo. Hình như đám mây đó còn lại một vài làn nắng ấm mùa hè nên mới “vắt nửa mình”. Thu về làm cho bao cảnh vật thay đổi và đám mây kia cũng thật khác lạ.

Với một đoạn thơ ngắn vẻ vẹn hai khổ mà nhà thơ đã dựng lại bức tranh thu nồng đượm hơi ấm cuộc đời, hơi ấm quê nhà. Những hình ảnh sang thu thân quen, giản dị mà tươi tắn được thay thế cho hình ảnh ước lệ về mùa thu trong thơ ca. Với những từ ngữ lấp láy: “chùng chính”, “dềnh dàng”, “vội vã” và một giọng thơ vừa có thoáng ngỡ ngàng, vừa vui sướng. Hữu Thỉnh đã đưa ta về một miền quê dân dã mà ấm áp tình người.

Sang thu – một hình ảnh quê hương tự nó đã tôn thêm vẻ đẹp cho đất nước, cho quê nhà, cho đồng quê trong mùa thu chung của đất trời Việt Nam.

(Bài làm của Nguyễn Thị Anh Trúc

HS Trường THCS Năng Khiếu Hà Tĩnh)

Phân tích khổ thơ cuối bài Sang thu

Sang thu là bài thơ ngũ ngôn của Hữu Thỉnh, từng được nhiều người ưa thích, gồm có ba khổ thơ; mỗi khổ thơ bốn câu là một nét thu đẹp êm đềm của đất trời, tạo vật trong buổi đầu thu – thu mới về, thu chợt đến. Và cái cảm nhận và suy ngẫm của nhà thơ khi nhìn cảnh vật trong những ngày đầu thu:

Vẫn còn bao nhiêu nắng.

Đã vơi dần cơn mưa.

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Nắng, mưa, sấm, những hiện tượng của thiên nhiên trong thời điểm giao mùa: mùa hạ – mùa thu được Hữu Thỉnh cảm nhận một cách tinh tế. Các từ ngữ: “vẫn còn”, “đã vơi dần”, “cũng bớt bất ngờ” gợi tả rất hay thời lượng và sự hiện hữu của sự vật, của thiên nhiên như nắng thu, mưa thu, tiếng sấm buổi đầu thu. Mùa hạ như còn níu giữ. Nắng, mưa, sấm mùa hạ như còn vương vấn mùa thu, vương vấn hàng cây và đất trời. Nhìn cảnh vật sang thu buổi giao mùa, từ ngoại cảnh ấy mà nhà thơ suy ngẫm về cuộc đời. “Sấm” và “hàng cây đứng tuổi” là những ẩn dụ tạo nên tính hàm nghĩa của bài Sang thu. Nắng, mưa, sấm là những biến động của thiên nhiên, còn mang ý nghĩa tượng trưng cho những thay đổi, biến đổi, những khó khăn thử thách trong cuộc đời. Hình ảnh “hàng cây đứng tuổi” là một ẩn dụ nói về lớp người đã từng trải, được tôi luyện trong nhiều gian khổ, khó khăn:

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Hữu Thỉnh viết bài thơ Sang thu vào đầu những năm 80 của thế kỉ trước. Lúc bấy giờ, đất nước ta tuy đã được độc lập và thống nhất, nhưng đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách mới về kinh tế, về xã hội. Hai câu kết bài thơ mang hàm nghĩa khẳng định bản lĩnh cứng cỏi và tốt đẹp của nhân dân ta trong những năm tháng gian khổ, khó khăn ấy.

Sang thu là một bài thơ hay của Hữu Thỉnh, được in trong tập thơ Từ chiến hào tới thành phố xuất bản vào tháng 5 – 1985. Bao cảm xúc dâng đầy, những vần thơ đẹp, hữu tình, nên thơ. Nhà thơ không sử dụng bút màu để vẽ nên những cảnh thu, sắc thu rực rỡ. Chỉ là một số nét chấm phá, tả ít mà gợi nhiều nhưng tác giả đã làm hiện lên cái hồn thu thanh nhẹ, trong sáng, êm đềm, mênh mang… đầy thi vị.

Phân tích khổ 3 Sang thu của Hữu Thỉnh

Nhà thơ Hữu Thỉnh tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Thỉnh, sinh năm 1942, quê ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1963, Hữu Thỉnh nhập ngũ, vào binh chủng Tăng – Thiết giáp rồi trở thành cán bộ văn hóa, tuyên huấn trong quân đội và bắt đầu sáng tác thơ. Ông là ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa III, IV, V. Từ năm 2000, Hữu Thỉnh giữ chức vụ Tổng thư kí Hội Nhà vãn Việt Nam.

Hữu Thỉnh là nhà thơ đi nhiều, viết nhiều và có một số bài thơ đặc sắc về con người cùng cuộc sống ở nông thôn. Bài thơ Sang thu được sáng tác vào cuối năm 1977, in lần đầu tiên trên báo Văn nghệ. Nội dung thể hiện tâm trạng bâng khuâng, xao xuyến của nhà thơ trước những chuyển biến tinh tế của trời đất và là bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của nông thôn đồng bằng Bắc bộ lúc giao mùa từ hạ sang thu. Và cảm nhận của ông khi tiết trời sang thu được thể hiện rõ nét nhẩt ở khổ thơ cuối:

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Mở đầu Hữu Thỉnh cảm nhận mùa thu bằng tất cả con người mình, tâm hồn mình. Bắt đầu là khứu giác : Bỗng nhận ra hương ổi, Phả vào trong gió se. Cảm giác giao mùa được ông diễn tả bằng một hình ảnh bất ngờ đầy thi vị: Có đám mây mùa hạ, Vắt nửa mình sang thu. Đây là hình ảnh đặc sắc miêu tả cảnh mùa hạ chưa qua hẳn nhưng mùa thu đã tới. Nhưng tiếp đó chính là cảm nhận của chính ông khi nắng cuối hạ vẫn còn nhưng đã bớt đi cái nồng nàn, rực rỡ vốn có, kèm theo đó là những cơn mưa rào ào ạt cũng đã thưa dần :

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Nhà thơ thể hiện cảm xúc của mình rất thành công bằng những từ ngữ diễn tả cảm giác, trạng thái: bỗng, phả vào, chùng chình, hình như; dềnh dàng, vắt nửa mình… Cả bài thơ là bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ của trời đất lúc vào thu được tác giả vẽ nên bằng sự rung động tinh vi của trái tim nghệ sĩ. Chính điều đó khiến cho mỗi từ ngữ, hình ảnh đều phập phồng sự sống. Ba khổ thơ, mười hai câu thơ, câu nào cũng đẹp, cũng hay nhưng nét riêng của thời điểm giao mùa hạ – thu được Hữu Thỉnh thể hiện tập trung nhất ở hai câu thơ cuối bài :

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Hai câu thơ này có hai tầng nghĩa. Tầng nghĩa thứ nhất tả thực hiện tượng sấm chớp và hình ảnh hàng cây trong cơn mưa cuối hạ. Tầng nghĩa thứ hai là nghĩa hàm ngôn thông qua hình ảnh có tính chất ẩn dụ nghệ thuật. Sấm là những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời ; hàng cây đứng tuổi ngụ ý chỉ con người đã từng trải.

Lúc sang thu, tiếng sấm dữ dội và bất ngờ của những cơn mưa giông mùa hạ đã bớt đi. Hàng cây không còn bị giật mình, run rẩy vì tiếng sấm. Nhà thơ Hữu Thỉnh tâm sự rằng với hình ảnh có giá trị tả thực về hiện tượng thiên nhiên này, ông muốn gửi gắm suy ngẫm của mình: Khi con người đã từng trải thì bản lĩnh cũng vững vàng hơn trước những thử thách của cuộc đời.

Bằng cảm nhận tinh tế và cách dùng từ tự nhiên, chân thật, cùng nghệ thuật ẩn dụ, nhân hóa tài tình, Hữu Thỉnh đã vẽ nên bức tranh đặc sắc về thời điểm giao mùa hạ – thu ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Với bài Sang thu, Hữu Thỉnh đã góp thêm một nét thu mang dấu ấn riêng của mình vào những chùm thơ thu hay và đẹp của thơ ca Việt Nam.

Phân tích 2 khổ cuối Sang thu

Những hiện tượng, sự vật của tự nhiên luôn khiến cho những tâm hồn nhạy cảm, thơ mộng rung động trước vẻ đẹp của nó, và nhà thơ Hữu Thỉnh cũng không ngoại lệ. Ông là một nhà thơ viết rất hay, rất cảm xúc về cuộc sống, về con người với những vần thơ mềm mại, tinh tế chỉ riêng ông có được.

Sự chuyển mình từ mùa hạ sang mùa thu là một trong những thay đổi của tự nhiên đã lọt vào trái tim đa cảm của nhà thi sĩ này. Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh cho đến nay vẫn được đánh giá là một trong những bài thơ miêu tả hay nhất về mùa thu, đặc biệt là những ý thơ đặc sắc trong 2 khổ thơ cuối khép lại tác phẩm.

Mở đầu bài thơ là cảm xúc ngạc nhiên, ngỡ ngàng của tác giả khi thấy sự chuyển mình từ hạ sang thu. Ở khổ thơ thứ hai, ta thấy mùa thu đến rõ ràng hơn trước sự chứng kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh:

“Sông được lúc dềnh dàngChim bắt đầu vội vãCó đám mây mùa hạVắt nửa mình sang thu”

Thu đến, dòng sông không còn phải gồng mình lên trước những cơn mưa lũ của mùa hạ, những cánh chim đã bắt đầu đi tìm nơi trú ẩn cho mình trước khi một mùa đông lạnh giá ghé thăm. Và cả những đám mây trắng trên bầu trời cao vợi cũng đã đến lúc nói lời chào tạm biệt mùa hè rồi.

Đoạn thơ được tác giả sử dụng một loạt các từ láy “dềnh dàng”, “vội vã” là những động từ thể hiện sự chuyển động của sự vật. Những sự vật của tự nhiên được nhân hóa với những hành động khi nhanh, khi chậm, vô cùng sinh động trong con mắt của tác giả. Lại một lần nữa động từ được đặt lên đầu câu. Động từ “Vắt” cho thấy hình ảnh một đám mây mềm mại, vắt ngang trên bầu trời, một nửa còn vấn vương mùa hạ, nửa còn lại đã bước chân sang mùa thu.

Sang đến khổ thơ cuối, nhà thơ Hữu Thỉnh không còn cảm nhận mùa thu bằng những sự thay đổi của tự nhiên nữa mà thay vào đó là sự đan xen những chiêm nghiệm về cuộc đời:

“Vẫn còn bao nhiêu nắngĐã vơi dần cơn mưaSấm cũng bớt bất ngờTrên hàng cây đứng tuổi”

Nắng cuối hạ vẫn còn hồng, vẫn còn sáng nhưng đã nhạt đi nhiều so với thời điểm giữa mùa hè chói chang. Bầu trời cũng không còn những cơn mưa ào ạt, sấm nổ vang trời khiến cho mọi người phải giật mình nữa bởi thu đã đến thật rồi! Hai dòng thơ cuối là sự chiêm nghiệm của tác giả về cuộc đời:

“Sấm cũng bớt bất ngờTrên hàng cây đứng tuổi”

Hình ảnh ẩn dụ “hàng cây đứng tuổi” gợi cho người đọc nhiều liên tưởng. Ở đây, ta có thể hiểu “hàng cây đứng tuổi” tượng trưng cho một con người từng trải, đã đi qua bao giông bão của cuộc đời để trưởng thành hơn.

Mùa thu của đất nước hay chính là mùa thu của đời người, khi đã đi qua những tháng năm xuân, hè của tuổi trẻ rực rỡ, bồng bột thì con người ta trở nên trưởng thành hơn, chín chắn hơn và không còn bị bất ngờ trước những tác động của ngoại cảnh. Có thể nói, đây là một hình ảnh ẩn dụ nhiều ý nghĩa, gợi liên tưởng sâu xa về cuộc đời. Phải là một người từng trải mới có thể có những xúc cảm như vậy.

Bằng những câu chữ mộc mạc, giản dị nhưng không kém phần tinh tế, 2 khổ thơ cuối trong bài Sang thu của Hữu Thỉnh đã mở ra trước mắt bạn đọc một bức tranh thiên nhiên vô cùng đẹp và sinh động. Tất cả đều đến từ mạch cảm xúc tự nhiên của tác giả. Qua đó, ta có thể thấy được tình yêu thiên nhiên sâu sắc của nhà thơ, hiểu được vì sao Hữu Thỉnh được coi là một trong những cây bút xuất sắc khi viết về tự nhiên, về cuộc sống.

Gợi ý các mẫu mở bài Sang thu

Với nhiều bạn, việc phân tích bài văn khó nhất từ bước mở bài. Cảm giác đặt bút xuống viết câu đầu tiên thật khó và không biết làm sao để có cách mở hay hoặc ít nhất là đạt tiêu chuẩn.

Mẫu 1

Cách đơn giản nhất có lẽ là đi vào giới thiệu chủ đề bài thơ. Ví dụ:

Sang thu của Hữu Thỉnh là một bài thơ hấp dẫn viết về chủ đề thiên nhiên đất trời sang thu. Tác giả có cảm nhận rất tinh tế, sử dụng hình ảnh đặc sắc để mô tả cảnh thiên nhiên khoảnh khắc giao mùa.

Mẫu 2

Mẫu viết cũng rất dễ dàng cho các bạn học sinh để viết mở bài Sang thu và cả các tác phẩm khác: Giới thiệu tác giả tác phẩm. Chẳng hạn:

Sang thu là bài thơ được nhà thơ Hữu Thỉnh sáng tác vào năm 1977 (2 năm sau giải phóng) khi ông đang tham gia trại hè. Hữu Thỉnh là nhà thơ có những suy tư rất riêng, luôn sử dụng hình ảnh chọn lọc, độc đáo và thường đưa những triết lý về cuộc đời, con người vào tác phẩm. Bài Sang thu cũng không ngoại lệ.

Hoặc bạn có thể viết:

Hữu Thỉnh tên là Nguyễn Hữu Thỉnh, sinh năm 1942, quê ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Thơ của ông thường sử dụng cách liên tưởng độc đáo và chứa đựng cái nhìn đầy triết lí về cuộc đời. Những tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như: Đường tới thành phố (1979), Từ chiến hào tới thành phố (1991), Thư mùa đông (1994),… Trong đó, nếu nhắc về thơ mùa thu đặc sắc của ông, bài Sang thu là một tác phẩm không thể thiếu.

Mẫu 3

Bắt đầu từ chủ đề chính của bài thơ và dẫn dắt sang bài cũng là cách được nhiều bạn áp dụng. Ví dụ:

Khoảnh khắc giao mùa chắc là khoảnh khắc đẹp đã nhất của tự nhiên, nó gieo vào trong lòng người những rung động nhẹ nhàng khiến ta như giao hoà, đồng điệu. Bài thơ thể hiện rõ nét nhất chính là bài thơ “Sang Thu” của Hữu Thỉnh. Bài thơ đã thể hiện những rung cảm tinh tế của nhà thơ trước những biến đổi của thiên nhiên ở thời khắc giao mùa từ hạ sang thu.

Kết bài

Phân tích bài thơ Sang thu giúp bạn hiểu hơn về tác phẩm. Đây là những bài mẫu được The POET sưu tầm từ học sinh hoặc do những nhà phân tích văn học gạo cội chia sẻ, bạn có thể tham khảo để có ý tưởng tham khảo cho bài làm của mình.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng là nhà khoa học hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực vi sinh vật học (wiki), với hơn nửa thế kỷ cống hiến cho giáo dục và nghiên cứu. Ông là con trai Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân, thuộc gia đình nổi tiếng hiếu học. Giáo sư giữ nhiều vai trò quan trọng như Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, Đại biểu Quốc hội và đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2010.

Recent Posts

Giảo biện hay xảo biện đúng chính tả? Nghĩa là gì?

Giảo biện hay xảo biện là hai từ khó phân biệt đúng hay sai chính…

49 phút ago

Tác hại của tạp chất trong nước và cách xử lý triệt để

Nước đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong đời sống con người.…

50 phút ago

Tâm trí hay tâm chí đúng chính tả? Nghĩa là gì?

Tâm chí hay tâm trí là cặp cụm từ khiến nhiều người nhầm lẫn vì…

2 giờ ago

Nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông và giải pháp khắc phục triệt để

Tình trạng ô nhiễm nước sông đáng báo động Ô nhiễm nước sông ngày càng…

2 giờ ago

Nhị Ca Phong là ai? Cách thỉnh và thờ cúng Phong Nhị Ca

Nhị Ca Phong được xem là ông tổ cờ bạc, nguồn tín ngưỡng xuất phát…

3 giờ ago

Rác thải sinh hoạt là gì? Thực trạng rác thải sinh hoạt ở Việt Nam

Rác thải sinh hoạt là gì? Rác thải sinh hoạt bao gồm các chất thải…

3 giờ ago

This website uses cookies.